Dạy học sinh VN phân loại rác từ lớp học: khẩn trương thôi!
TTO - Ông BENJAMIN MAWDSLEY (giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM) đã nhấn mạnh như vậy về tầm quan trọng của việc tái chế và làm giảm lượng chất thải ở VN. Theo ông Mawdsley, việc giáo dục này cần được áp dụng cả trong và ngoài trường học.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chúng tôi xin giới thiệu bài viết này của ông Benjamin Mawdsley.
"Ở VN, hầu như người dân, đặc biệt ở các thành phố lớn, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại chất thải thành 3 loại riêng biệt: rác, phân bón và đồ tái chế.
Nguyên nhân của việc chưa nhận thức này có phần do chưa có hệ thống luật pháp nghiêm khắc về vấn đề này cũng như chính quyền chưa lên tiếng chính thức cho hoạt động ấy. Vì thế, việc cần làm là khẩn trương giáo dục mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ, về tầm quan trọng của việc tái chế và làm giảm lượng chất thải ở VN. Công tác giáo dục này cần được áp dụng cả trong và ngoài trường học.
Walt Disney đã từng nói: “Nguồn tài nguyên thiên nhiên vĩ đại nhất của loài người chính là trí tuệ của trẻ em”.
Là một người làm trong lĩnh vực giáo dục, tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi câu nói trên. Chính vào thời đại này, chúng ta cần dạy thế hệ trẻ không chỉ những điều căn bản như đọc - viết, tính toán, mà còn là những bài học cốt lõi về đạo đức để trang bị cho trẻ cách sống trên hành tinh mà ta gọi là nhà. Cũng vì lý do đó, việc giáo dục vấn đề về xử lý rác thải cần được xem xét và tiếp cận một cách khẩn trương và nghiêm túc, đặc biệt đối với lứa tuổi nhỏ.
Gần đây, tôi đã liên lạc lại với ngôi trường công lập mà tôi đã dành nhiều năm học tập, ngôi trường tại Crookstown, Ontario, Canada, và nhờ họ tóm tắt việc tái chế và làm giảm lượng rác thải trong lớp học. Karen Dockeray, một giáo viên tại Crookstown, đã hào phóng gửi cho tôi một số bức ảnh về cách học sinh trong trường tự giác phân loại nguyên liệu bỏ đi trong lớp mình.
Cô ấy đã nói rằng: “Chúng tôi phân loại và lựa chọn cách tái chế ngay tại lớp học. Sau đó, cứ hai lần một tuần, buổi tập hợp rác thải sẽ được diễn ra, ở đó những vật bỏ đi đã được phân loại kỹ từ trong lớp được học sinh đem ra kho để gom lại. Vào các ngày tái chế rác của cộng đồng, đơn vị xử lý chất thải của thành phố sẽ đến thu nhặt số rác ấy”.
Tại Ontario, các trường ở thị trấn Simcoe được tập hợp tham gia vào một hệ thống tái chế hai tầng. Điều này có nghĩa là rác thải từ giấy phải được tách biệt khỏi loại rác như lon và vật chứa bằng nhựa. Tại trường, việc tái chế được bắt đầu bằng cách thu nhặt rác vào trong các túi nhựa trong suốt và chúng được mang từ lớp học đến bãi rác. Xe tải chứa rác tái chế sẽ thu nhặt toàn bộ số vật cần được tái chế đến cơ sở phục hồi vật liệu.
Ở đó, những chiếc túi chứa rác đã được thu lượm kỹ bằng tay và mang đến khu vực lựa chọn tách biệt để tiến hành tái chế và đảm bảo cho ra đời một vật liệu hoàn toàn tương tự. Một khi quá trình đó kết thúc, các công ty sẽ đến mua và đem về để chế tạo sản phẩm mới.
Tại trường học, học sinh Canada được giáo dục rằng: nếu nghiêm túc tái chế vật nào đó, chúng ta có thể tạo ra một vật mới chính xác như ban đầu. Ví dụ như một lon nước ngọt được làm từ nhôm. Việc tái chế một lon nước ngọt hoặc giấy nhôm được tiến hành bằng cách trộn lẫn nguyên liệu thô với nguyên liệu đã qua sử dụng. Đây được gọi là hệ thống vòng khép kín, hay còn được gọi là “vòng Mobius”. Đó chính là biểu tượng vòng tròn tái chế của toàn cầu.
Canada, tại ngôi nhà của mình, trẻ em được dạy bỏ thức ăn thừa vào thùng rác nhựa màu xanh lá. Sau đó chất thải trong các thùng chứa ấy được mang đến cơ sở chế tạo phân bón - nơi mà chúng được tái chế thành các loại sản phẩm phân bón hữu ích cho đất trồng trong vườn và ở các cánh đồng.Suy nghĩ theo dự án Lorax
Tùy vào từng tỉnh thành, đồ ăn bỏ đi có thể được gói vào trong báo hoặc đặt trong các túi giấy. Túi nhựa hoặc bất cứ loại túi nào được làm từ nguyên liệu tương tự - thậm chí nếu có thể phân hủy bằng vi khuẩn hay để chế xuất thành phân bón - đều không được cho phép, bởi vì chúng có thể làm ô nhiễm quá trình ủ phân và làm giảm chất lượng thành phẩm phân bón.
Tất cả đồ ăn vụn và giấy gói thức ăn bẩn đều được cho vào thùng màu xanh. Điều này sẽ làm giảm lượng rác trên các bãi chôn lấp chất cặn bã ở địa phương và góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Điều không may mắn rằng chúng ta sống trong một thế giới nơi mà các loại hàng hóa được sử dụng một lần rồi bỏ đi lại được ưa chuộng bởi tính nhanh chóng và thuận tiện. Ta vẫn hay mua những vật được gói hào nhoáng ở bên ngoài chỉ vì cho rằng chúng chắc hẳn sẽ tốt hơn. Ta ưa thích các bữa ăn nhẹ được đóng gói sẵn, có bao bì bóng bẩy, đặc biệt không làm vấy bẩn và có thể bỏ đi ngay sau khi kết thúc bữa ăn.
Nhưng ở Canada, từ khi còn nhỏ học sinh đã được gieo vào trong đầu cách suy nghĩ theo dự án Lorax của tiến sĩ Seuss. Bất kể khi nào chủ đề của cuộc nói chuyện liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, hầu hết các bậc cha mẹ và thầy cô đều đem dự án của tiến sĩ Seuss ra trên hình thức một bài học cho trẻ.
Ngoài số lượng lớn các lời khuyên về cách sống thân thiện với Trái đất, dự án Lorax còn giúp đưa ra nhiều phương án mà giáo viên ngày nay áp dụng vào lớp học mỗi ngày để hướng dẫn trẻ em cách bảo vệ môi trường".
Nhận xét
Đăng nhận xét