Đi xe hơi ‘cầm nhầm’ thùng rác: Ai bảo thùng rác không giá trị?
Có lẽ cộng đồng mạng sẽ bớt bất ngờ trước hành vi của người đàn ông đi ô tô ‘cầm nhầm’ thùng rác trên vỉa hè khi biết được giá trị thực tế của một chiếc thùng rác.
Kính gửi cộng đồng mạng,
Như các bạn đã biết, đoạn clip ghi lại cảnh người đàn điều khiển xe hơi "cầm nhầm" thùng rác công cộng đang tạo ra sự khó hiểu cho người xem - phần lớn là những người chưa bao giờ nghĩ đến khả năng thùng rác cũng bị đem về làm của riêng. Dù nhìn rõ biển kiểm soát của chiếc xe bốn bánh nhưng dân tình vẫn ước giá như thùng rác biết nói năng, để chỉ mặt gọi tên người đàn ông có hành vi kỳ quặc. Thế nên bây giờ, tôi xin phép được chia sẻ vài lời với các bạn.
Vâng, tôi chính là một trong hàng vạn chiếc thùng rác công cộng làm bằng thép phun sơn, nhựa HDPE, Composite... ở ngoài kia. Chúng tôi được sinh ra để giữ gìn vệ sinh chung, đồng thời giúp mọi người nâng cao ý thức vứt rác đúng nơi quy định. Song, hầu như ngày nào chúng tôi cũng phải đối mặt với những kẻ-hủy-diệt, tự do tàn phá chúng tôi bằng cách này hay cách khác.
Các bạn rất bức xúc với hành vi "cầm nhầm" thùng rác trong một vài clip trích xuất từ camera an ninh, còn chúng tôi thì lại cảm thấy họ vẫn... tốt bụng chán. Nếu là tôi, các bạn cũng sẽ cảm động khi thấy ai đó đưa bạn mình ra khỏi vỉa hè, nơi mà bạn tôi có thể bị người lớn đổ cả xô than tổ ong còn đang nóng rẫy vào trong hoặc bị bọn trẻ con ném gạch đá ở mặt ngoài.
Thực ra, chuyện thùng rác không cánh mà bay nghe thì có vẻ buồn cười nhưng lại không hề hiếm gặp. Tôi xin trích lại một thông tin mà ông Lê Văn Thu - Phó Giám đốc BQL dự án Đầu tư và Xây dựng quận Cầu Giấy (Hà Nội) đưa ra trong bài phỏng vấn mới đây, rằng số thùng rác đã đặt trên toàn quận Cầu Giấy là 180 thùng, nhưng đến nay đã bị mất cắp gần một nửa. Hình ảnh thu được từ các vụ “cầm nhầm” cho thấy dù đi xe máy hay chạy xe hơi thì người ta đều nhanh chóng đưa thùng rác rời khỏi hiện trường bằng cách này hay cách khác. Dĩ nhiên, người đi xe hơi lợi hơn người đi xe máy ở chỗ có thể dễ dàng đặt thùng rác vào cốp xe mà không phải còng lưng ra đỡ khi tham gia giao thông. Những người này được dân tình ưu ái đặt cho danh xưng là “thùng rác tặc”.
Nhiều người đang vô cùng tò mò, không hiểu vì sao lại có người lấy trộm/đánh tráo thùng rác ở nơi công cộng vì suy cho cùng, chiếc thùng rác cũng chỉ để phục vụ mục đích thu gom rác. Cũng chính vì thế mà có giả thiết cho rằng bên trong chiếc thùng rác mà người đàn ông đi xế hộp lấy đi có thứ gì đó rất rất giá trị.
Đấy là vì họ chưa biết một thùng rác mua mới có giá trên 3 triệu đồng! Tôi không cho rằng đây là hành vi “ăn cắp vặt”, vì khái niệm này vốn để chỉ hành động lấy trộm những món đồ vặt vãnh, không đáng bao nhiêu tiền. Nhắm mắt cũng thấy được thiệt hại quá lớn đối với đơn vị quản lý môi trường và sự thiệt thòi của những hộ dân sinh sống tại các tuyến phố, khu dân cư không còn thùng rác.
Cũng cần phải nói thêm rằng, chuyện "thùng rác tặc" ăn mặc lịch sự, đi xe bốn bánh không có gì là vô lý hay khó hiểu. Chiếc áo vốn không làm nên thầy tu. Bạn không thể vứt bỏ những cống hiến không ngừng nghỉ và bôi nhọ danh tiếng của một vị giáo sư khi thấy ông mặc quần đùi trong một lớp học sáng tạo. Mặc định đối tượng xấu phải có bộ dạng nhếch nhác, gian manh như trong các tác phẩm văn học đồng nghĩa với việc nới rộng không gian thiếu an toàn, tạo điều kiện cho kẻ gian trộm cắp.
Nhận xét
Đăng nhận xét