Biển sẽ sạch sẽ hơn khi có thùng chứa rác trên bãi tắm
Qua những lần đi nghỉ mát, tắm biển tại một số các địa phương như Đồ Sơn, Trà Cổ..., tôi để ý thấy một thực trạng chung, đó là hầu hết các bãi tắm chưa có thùng rác được lắp đặt.
Vào những ngày hè oi ả nóng bức, các bãi tắm thường thu hút rất đông người, bởi tâm lý chung của mọi người khi được đến với một khoảng không gian rộng mở thoáng đãng của biển cả để vẫy vùng, tắm, bơi lội và... "giải nhiệt" là điều không gì tuyệt vời hơn. Chính vì lẽ đó mà bất cứ ngày nào, các bãi tắm ở biển đều thu hút một lượng đông đảo người tắm, và số lượng còn tăng cao hơn gấp nhiều lần vào những ngày cuối tuần.
Qua những lần đi nghỉ mát, tắm biển tại một số các địa phương như Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Trà Cổ (Quảng Ninh)..., tôi để ý thấy một thực trạng chung là nhiều bãi tắm sát biển chưa có thùng rác công cộng được lắp đặt hoặc có nhưng rất ít.
Vâng, như chúng ta biết, các thùng chứa rác thì ở bãi biển nào cũng có, nhưng chúng thường được lắp đặt tại phía trong - gần bờ, sát đường đi ven biển - địa điểm rất xa so với các bãi tắm. Với những thùng rác công cộng được lắp đặt gần bờ như vậy thì chức năng của nó chỉ là nhận rác thải từ những người... không xuống tắm, còn với những người đang vui chơi tắm biển, ngồi nghỉ trên bãi cát gần mép nước thì sẽ chẳng mấy người có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống thể hiện qua hành động gom rác lại rồi mang vào bỏ vào những thùng rác ở ven bờ.
Thực tế, trên các bãi tắm thường kéo theo rất nhiều những người buôn bán hàng ăn uống, quà bánh phục vụ khách tắm biển, vì vậy mà sau khi ăn uống xong, khách thường bỏ, xả luôn xuống nền cát.
Có nhiều nhà hàng, khách sạn còn kiêm luôn việc phục vụ các món ăn, đồ hải sản cho khách tắm bằng cách mang đồ ăn, đồ nhậu ra tận bãi biển - nơi mép nước để khách vừa tắm vừa ăn nhậu cho tiện lợi. Như vậy sẽ khó lòng mà tránh được việc vỏ tôm, cua, ghẹ, xương cá, mảnh ốc... bị vương ra bãi cát, và chính các loại rác sắc lẹm từ hải sản được người ăn xả ra trên cát không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà nó còn tiềm ẩn hiểm họa sát thương khi ai đó đâm, xéo phải, bởi khi xuống tắm thì mọi người đều đi chân trần.
Tất nhiên, cũng có một số khách có ý thức khi họ gom lại rác sau khi ăn uống, hoặc chủ các nhà hàng quán ăn họ cũng luôn chú tâm vào việc gom lại rác thải từ những nhóm khách mình phục vụ..., nhưng tỉ lệ người không có ý thức, luôn xả rác vô tổ chức, bừa bãi lại luôn nhiều hơn người có ý thức, vì vậy mà các bãi tắm luôn ngập tràn rác thải sau mỗi ngày.
Qua thực trạng rác thải vương vãi đầy trên các bãi cát, thậm chí rác còn bị sóng cuốn trôi xuống nước gây ô nhiễm môi trường, tôi nghĩ cơ quan chủ quản của các bãi tắm cần phải trang bị các thùng rác công cộng theo kiểu lưu động.
Các thùng rác ấy nên thiết kế bằng chất liệu nhựa, gọn nhẹ để mỗi sáng nhân viên mang ra đặt rải rác trên nền cát của bãi tắm, rồi chiều tối lại mang vào lấy rác và cọ rửa. Khi thiết kế thùng rác, các địa phương có bãi tắm cũng nên chú trọng tới tính thẩm mỹ là kiểu dáng, hình thức, màu sắc..., để làm sao nó không ảnh hưởng tới mỹ quan, cảnh quan của khoảng không gian mở, nên thơ. Nếu có các thùng chứa rác lưu động kiểu đó đặt trên bãi tắm - ngay sát mép nước, tôi nghĩ bãi tắm sẽ sạch sẽ hơn.
Mặt khác, khi có thùng chứa rác, biết đâu sẽ "nâng tầm ý thức" của một số người vốn xưa nay quen thói xả rác bừa bãi, nay khi trông thấy thùng rác và nhìn thấy mọi người có ý thức gom rác bỏ vào thùng thì tự nhiên ý thức trong họ được "đánh thức" và họ cũng phải làm theo để không bị coi là người lạc giữa số đông.
Ngoài việc hướng mọi người tắm biển bỏ rác vào thùng khi trang bị lắp đặt những thùng rác công cộng trên bãi tắm, cơ quan chủ quản của các bãi tắm cũng nên cho cắm các bảng, biển với nội dung nhắc nhở mọi người bỏ rác vào thùng, cũng như sống có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.
Nhận xét
Đăng nhận xét