Thầm lặng sau những dòng kênh


(HNM) - Hệ thống kênh rạch chằng chịt (khoảng gần 1.000km) của TP Hồ Chí Minh lâu nay được xem như một đặc trưng của vùng đất phương Nam này. Thành phố cũng đang có đề án phát triển du lịch đường sông, trở thành sản phẩm du lịch chủ lực vào năm 2020. Tuy nhiên, để giữ gìn, làm sạch "lá phổi" quý giá mà thiên nhiên ban tặng trước tình trạng ô nhiễm nước, rác thải trầm trọng hiện nay là thử thách lớn, phía sau mỗi dòng kênh là nỗ lực thầm lặng của những người vớt rác... 

Công nhân vớt rác làm sạch những dòng kênh.

Vui, buồn nghề vớt rác

Chúng tôi quyết định chọn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để tìm hiểu công việc của những công nhân vớt rác. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ xưa cùng với rạch Bến Nghé (phía Nam) tạo nên đường thủy nội vô cùng thuận tiện cho hoạt động chuyên chở, họp chợ, mua bán… xứng danh “trên bến, dưới thuyền”. Con kênh dài 9km này gắn với công cuộc khai hoang và phát triển vùng đất Nam Bộ, là một phần lịch sử, văn hóa của Sài thành phồn hoa, sôi động. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng nổi tiếng với công cuộc hồi sinh qua hơn 20 năm, có sự di dời của nhiều hộ dân, sự hao tốn tiền của, công sức...

Ngay từ tờ mờ sáng, công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh đã phải gồng mình vớt rác dọc chiều dài tuyến kênh. Có mặt tại điểm tập kết chuẩn bị cho một ngày tác nghiệp tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào khoảng 5h sáng, chúng tôi mới cảm nhận sự vất vả của các anh, các chị công nhân. Mọi công việc chuẩn bị như tập trung lực lượng, huy động ghe thuyền, mặc áo phao, cẩu thùng đựng rác thải xuống thuyền... phải được hoàn tất từ lúc nhà nhà còn ngon giấc, để khi ánh mặt trời lóe tia sáng đầu tiên là xuất bến làm nhiệm vụ. Đội hình xuất phát được chia làm hai hướng, một ngược về phía thượng nguồn, một xuôi về hạ lưu nhằm bảo đảm dòng kênh được sạch đều trong khoảng thời gian ngắn nhất.

Ông Phan Học Hải, Đội trưởng Đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè kể: "Trước đây, việc vớt rác hầu như hoàn toàn bằng sức người, đòi hỏi công nhân vớt rác phải có sức khỏe, sức chịu đựng dẻo dai. Chính vì quá cực nhọc, vất vả mà anh em đã sáng chế ra cái te được lắp ở hai bên mạn sườn thuyền với độ sâu khoảng 60cm nhằm tránh bỏ sót rác, đồng thời vớt được cả những loại rác trôi ngầm dưới mặt nước".

Ngược, xuôi dòng kênh cùng anh em công nhân, chúng tôi thấy rõ dù thuyền được trang bị thêm thiết bị cơ giới giúp cẩu lượng rác lớn từ lòng te đưa vào thùng, nhưng vẫn không thể thiếu sức người. Gặp phải những khúc gỗ nặng, anh em công nhân phải gồng hết cơ bắp, dồn hết sức mới vớt được. Tuy vậy, chỉ bỏ sức thôi chưa đủ, nghề này còn đòi hỏi sự khéo léo, uyển chuyển, nhanh nhẹn mới có thể vớt được rác trong điều kiện triều cường chảy mạnh hoặc những chỗ có dòng xoáy. Đôi khi cũng phải đoán được đường đi của rác để điều hướng thuyền hợp lý, giúp giảm thời gian di chuyển cũng như tiết kiệm xăng dầu.

Chia sẻ về những vui buồn của nghề, nhiều anh em công nhân cho biết, tháng 5-2016, hàng chục tấn cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau những cơn mưa đầu mùa kéo theo chất thải xuống kênh, đã gây sốc lớn đối với anh em trong đội. "Nhiều người rớt nước mắt khi chứng kiến mặt kênh trắng cá, xộc lên mùi khó thở. Bao nhiêu công sức giữ kênh sạch, cho cá sinh sôi trên dòng kênh này, bỗng chốc tan biến hết!", ông Phan Học Hải trầm ngâm...

Một công nhân tên Lương Mai Tuấn cũng chia sẻ: "Không ít lần khi vừa vớt xong, ngoái lại đã thấy có người xả rác xuống, thuyền đành phải quay lại vớt lần nữa. Thậm chí, người trên cầu còn vứt rác xuống trúng đầu anh em".

Bù lại, như chia sẻ của ông Phan Học Hải: "Làm nghề này cũng nhiều người thương lắm. Tết vừa qua, ngay sáng mùng 1, nhiều bà con đến tận chỗ anh em chúng tôi tập kết để lì xì, có khi là vài thùng bia... Thật sự chúng tôi rất vui và cảm động, đây không chỉ là tấm lòng của bà con, mà còn là sự ghi nhận những việc mình đã làm". Quả thực, mỗi dịp Tết, những người công nhân thầm lặng trong đội vẫn cần mẫn vớt rác tới tận tối 30 và sáng mùng 1 Tết. "Nghỉ một ngày, rác sẽ tồn đọng...", ông Hải cho hay.

Nghề không thể... sợ khổ

Rác ở trên phố chủ yếu là chất thải rắn sinh hoạt nhưng rác ở dưới kênh "muôn hình vạn trạng". Đó là tấm xốp, tấm nệm loang lổ, có khi lại là cái tủ, cái bàn đã mục rữa, cả xác động vật chết trôi dạt. Anh Lương Mai Tuấn chia sẻ: "Sợ lắm chứ, nhưng phải trấn tĩnh rồi xắn tay mà vớt xác lên... Đã chọn nghề này rồi thì không thể sợ khó, sợ khổ được".

Hơn cả những câu chuyện ấy, như lời của Đội trưởng Đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì trong năm 2015, đội vớt rác cứu được 10 người, năm 2016 cứu được 7 người đuối nước dưới kênh. "Có lần đội chúng tôi cứu được một cô gái còn khá trẻ, do có chuyện đau khổ nên tự tử... Khi đưa em lên bờ, toàn thân em ướt sũng, lạnh cóng. Chúng tôi chia sẻ quần áo cho em, rồi góp tiền để em bắt xe về nhà". Ông Phan Học Hải cũng cho hay, thỉnh thoảng anh em công nhân cũng vớt được túi xách, ví, giấy tờ rơi dưới kênh và tìm mọi cách liên hệ để trả lại người bị mất. Những điều ý nghĩa đó giúp chúng tôi thêm vững tin, tự hào hơn về nghề nghiệp của mình.

Hiện đội vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm có 54 người. Trong đó, có người đã có gần 30 năm trong nghề, người mới vào nghề vài năm, hoặc từ bộ phận khác tự nguyện xin chuyển tới, song hết thảy đều gắn bó với công việc. Đội trưởng Đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chân thành cho biết: "Lương anh em trung bình chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, trong khi hầu hết đều là trụ cột trong gia đình. Điều khiến anh em gắn bó với nghề chính là cái tình thôi. Sự động viên, hỗ trợ hết mực từ đơn vị chủ quản, chính quyền địa phương, hậu phương từ gia đình, đặc biệt là sự tôn trọng của đa số bà con với nghề của mình!".

Và mong ước, trăn trở của những con người thầm lặng ấy cũng đơn giản, thiết thực vô cùng. Trương Phi Long, một trong những người có thâm niên lâu nhất trong đội (28 năm trong nghề) rủ rỉ, làm sạch đường phố thì đỡ hơn, làm sạch kênh sâu, nơi hứng nguồn thải thì muôn trùng khó khăn. Em chỉ mong bà con đừng vứt rác xuống kênh nữa!
Bài, ảnh: Nguyễn Lê

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Việt Nam nằm trong 10 địa điểm du lịch thân thiện môi trường nhất thế giới

Rác ngập đường phố Đà Nẵng sau lễ hội pháo hoa

TPHCM: Lắp đặt thùng rác thông minh