Hà Nội triển khai các giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường

Với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, UBND TP. Hà Nội đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cấp bách.
Theo đó, Thành phố yêu cầu tăng cường năng lực và phối kết hợp giữa các cấp, ngành trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường. Việc triển khai, thực hiện được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, đồng bộ, gắn với việc thực hiện các chương trình công tác lớn của Thành ủy và các chủ trương, chính sách của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố. 




Trước mắt, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, Hà Nội tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; rà soát, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao và các đô thị đông dân cư, khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm cần được bảo vệ. Các quy định về bảo vệ môi trường sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng ngăn chặn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất sạch hơn… Cùng với đó là đẩy mạnh thanh kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường điều tra, kiểm kê nguồn thải, kiểm soát các hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, hoạt động vận chuyển và xử lý chất thải…

Hà Nội yêu cầu tất cả các đối tượng có quy mô xả thải lưu lượng lớn theo quy định của pháp luật phải lắp đặt các thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Dự kiến, trong năm 2017, Trung tâm điều hành và quản lý dữ liệu môi trường sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành để truyền số liệu quan trắc tự động trực tiếp về Sở nhằm kiểm soát, giám sát các hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung xử lý triệt để, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các khu công nghiệp; không để phát sinh thêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Thành phố xác định rõ cơ chế, chính sách, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có tính khả thi cao, phù hợp với nguồn lực, khả năng thực tế. 


Theo kế hoạch, Thành phố sẽ tổ chức rà soát, điều chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lại Quy hoạch quản lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế-xã hội; rà soát quy mô, công suất xử lý đối với khu xử lý tập trung áp dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo hiệu quả kinh tế. Đồng thời, giảm dần tỷ lệ rác thải chôn lấp sau xử lý xuống còn khoảng 30% (năm 2020), khoảng 10-15% (năm 2050) bằng cách đầu tư thêm vào việc tuyên truyền, tăng số lượng nhân công thu gom và nhiều thùng rác công cộng.

Bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội được xác định là một trong những nhiệm vụ bức thiết, được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, từ thực tiễn quản lý, triển khai cho thấy, TP. Hà Nội còn thiếu tư duy quy hoạch môi trường; quản lý môi trường đô thị còn chưa đồng bộ; lực lượng và năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý về môi trường tại nhiều đơn vị còn yếu; nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng còn hạn chế, nhất là doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn có xu hướng gia tăng, trong khi Hà Nội vẫn chưa có các quy định riêng về công cụ và chế tài xử lý các vi phạm môi trường, dù đã có Luật Thủ đô.

Báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay của Hà Nội là ô nhiễm không khí (bụi và khí độc khu vực nội thành, các công trường xây dựng, khu vực làng nghề, khu công nghiệp, đốt rơm sau thu hoạch); ô nhiễm nước mặt trong các hồ đô thị, các sông và kênh thoát nước, ô nhiễm nước ngầm; ô nhiễm chất thải rắn, rác thải sinh hoạt không phân loại tại các đô thị; ô nhiễm môi trường tại các bãi rác; ô nhiễm rác thải sinh hoạt tại các khu vực dân cư nông thôn...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Việt Nam nằm trong 10 địa điểm du lịch thân thiện môi trường nhất thế giới

Rác ngập đường phố Đà Nẵng sau lễ hội pháo hoa

TPHCM: Lắp đặt thùng rác thông minh