Phú Quốc chuyển mình theo Du lịch xanh
Sau 5 tháng phát động, chiến dịch Du lịch xanh Phú Quốc 2016 đã thu được nhiều tín hiệu lạc quan, đánh dấu bước chuyển mình của đảo ngọc Phú Quốc hướng tới mục tiêu phát triển một ngành du lịch xanh - sạch - đẹp.
Không chỉ các cơ quan chức năng, những doanh nghiệp du lịch mà nhiều người dân địa phương cho đến tiểu thương, du khách... cũng tích cực và chủ động tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh chung cũng như bảo vệ môi trường du lịch tại hòn đảo này như mục tiêu đặt ra của chiến dịch Du lịch xanh Phú Quốc do báo Tuổi Trẻ, Sở Du lịch Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Vinpearl Phú Quốc.
Với quy mô lớn và khang trang hơn, chợ đêm Phú Quốc (tên gọi mới sau khi sáp nhập giữa chợ đêm Dinh Cậu và chợ đêm Bạch Đằng từ tháng 10-2016) đang dần trở thành một sản phẩm du lịch quan trọng của đảo ngọc Phú Quốc.
Với hơn 90 hộ tiểu thương kinh doanh các loại hải sản tươi sống, hàng hóa lưu niệm của biển và các đặc sản của Phú Quốc, chợ đêm này từng được xem là “điểm nóng” về vệ sinh môi trường, rác được vứt bừa bãi ra đường phố và đổ trực tiếp xuống sông.
Tuy nhiên sau buổi giao lưu với các chuyên gia du lịch VN và Nhật Bản, do chương trình Du lịch xanh Phú Quốc 2016 tổ chức, người dân thị trấn Dương Đông nói chung và tiểu thương tại chợ này bắt đầu thay đổi.
Chị Nguyễn Ngọc Bích, tiểu thương tại một cửa hàng bánh khéo ở chợ đêm Phú Quốc, cho biết không chỉ nhắc nhở nhân viên giữ gìn vệ sinh khu vực gian hàng và khu lân cận, chị còn yêu cầu các nhân viên hướng dẫn du khách nơi để rác hoặc nhận rác của khách đem bỏ giúp.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng Phúc (cửa hàng đậu phộng ChouChou) cho biết đã thuyết phục du khách hạn chế sử dụng bao nilông, chỉ khi nào mua nhiều hộp mới cho vào bao nilông, còn mua ít thì... vui lòng cầm trên tay. “Trong thời gian tới, cửa hàng chúng tôi sẽ thay thế bao nilông bằng một loại túi giấy thân thiện với môi trường hơn” - chị Phúc khẳng định.
Để góp phần biến chợ đêm này thành điểm đến được du khách ưa thích, ông Nguyễn Mười - chủ quán ăn Miền Trung - cho biết luôn nhắc nhở nhân viên phải nhiệt tình, chu đáo với khách hàng, tận tình hướng dẫn du khách khi gặp khó khăn.
Riêng việc bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, hợp vệ sinh, không để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng đến sức khỏe du khách là tiêu chí đặt lên hàng đầu. Chị Hoàng Ngọc Anh - quản lý quán Sài Gòn Hub - cũng thừa nhận không riêng tiểu thương hay quán ăn nào, mà cả chợ đêm đã có những chuyển biến tích cực trong việc bảo vệ môi trường, các nhân viên có thái độ thân thiện và tôn trọng du khách hơn.
Trong khi đó, theo ông Trần Quốc Bình - trưởng ban quản lý (BQL) chợ đêm Phú Quốc, để thực hiện mục tiêu xây dựng một chợ đêm Phú Quốc xanh - sạch - đẹp, BQL đã tổ chức cho tiểu thương ký cam kết thực hiện “4 không” gồm: không xả rác ra sông và đường phố, không xả nước thải trực tiếp ra môi trường, không tráo đổi hải sản khi chế biến phục vụ du khách, không sử dụng túi nilông để đựng thực phẩm.
Ngoài ra, BQL vừa trang bị thêm 15 thùng rác nhựa công cộng màu xanh dọc tuyến đường Bạch Đằng, trước các gian hàng ẩm thực kèm theo khẩu hiệu “Hãy cho tôi rác, xin cám ơn!” bằng hai thứ tiếng Việt - Anh, mời du khách chung tay bảo vệ môi trường.
Lần thứ ba cùng người thân và bạn bè ra thăm Phú Quốc, anh Trần Trường Giang (du khách đến từ Đồng Tháp) cho biết đã nhận thấy nhiều sự thay đổi của hòn đảo này từ cơ sở hạ tầng đến vấn đề vệ sinh môi trường.
“Khu vực Dinh Cậu và bãi biển xung quanh ít rác hơn, có lẽ nhờ có chốt trực của lực lượng trật tự đô thị và du khách cũng đã ý thức hơn. Bản thân tôi cũng hạn chế mua thức ăn, nước uống xách trên tay khi đến các điểm tham quan. Nói thiệt, tới một chỗ sạch sẽ mà mình để lại rác ở đó cũng thấy mắc cỡ lắm” - anh Giang nói.
Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Phú Quốc cũng cho biết rất muốn góp phần xây dựng một hình ảnh Phú Quốc sạch rác, xứng đáng là một điểm tham quan, nghỉ dưỡng cao cấp.
Theo anh Phạm Mạnh Thương - đại diện resort La Veranda (thị trấn Dương Đông), ngoài không gian rợp bóng cây xanh và bãi biển sạch rác, BQL khu nghỉ dưỡng còn khuyến khích nhân viên tham gia các chương trình cộng đồng.
Trong đó, hằng tháng có 40-50 nhân viên đi nhặt rác các bãi biển khác với nhóm CLB Phú Quốc Xanh, tham gia chương trình nhặt rác của các resort do doanh nhân nước ngoài quản lý... Những túi nilông trang bị cho nhân viên dùng để nhặt lá khô tại khu nghỉ dưỡng này đã được thay bằng những túi vải.
“Chúng tôi giữ môi trường luôn sạch nên du khách đến đây, dù là khách nội hay khách ngoại, cũng không ai vứt bừa một cọng rác nào” - anh Thương cho biết.
Ông Lương Bá Hưng - quyền tổng quản lý Vinpearl Phú Quốc - khẳng định tổ hợp này luôn xem vấn đề bảo vệ môi trường là một yếu tố cấu thành của sản phẩm và dịch vụ du lịch.
“Tại các dự án ở Phú Quốc, chúng tôi sử dụng ôtô, xe tải chạy điện không xả thải ra môi trường, xây dựng hệ thống kho chứa rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại, đồng thời đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn để tái sử dụng làm nước tưới và sẽ tiến tới nâng cao chất lượng xử lý để tái sử dụng cho sinh hoạt” - ông Hưng nói.
Để ngăn chặn việc vứt rác xuống sông Dương Đông gần chợ, ban quản lý đã trang bị 55 tấm lưới chắn rác, kích thước 2m x 1m, gắn kết nối dài một đoạn hơn 100m bên bờ sông phía sau các gian hàng. Các tấm lưới chắn rác này được gắn vào bờ rào ximăng dọc bờ sông, có bản lề để dễ dàng khép lại lấy rác ra hoặc mở ra chắn rác.
Ông Trần Quốc Bình - trưởng ban quản lý chợ đêm Phú Quốc - khẳng định: “Sau khi chiến dịch Du lịch xanh kết thúc, ban quản lý chợ cũng như các hộ tiểu thương vẫn sẽ duy trì những việc làm hiện nay để bảo đảm chợ đêm là một điểm đến văn minh, lịch sự, sạch đẹp và thân thiện cho du khách”
Nhận xét
Đăng nhận xét