Giảm gánh nặng cho biển
Dân cư ven biển đông đúc, cộng với phát triển kinh tế biển là những nguyên nhân gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường ven biển. Vì vậy, để giảm gánh nặng ô nhiễm cho biển, cần sự vào cuộc của cộng đồng…
Dọc các bãi biển xã Tịnh Khê, Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi); Minh Tân Bắc, Minh Tân Nam, xã Đức Minh (Mộ Đức); Phước Thiện, xã Bình Hải, cảng biển Sa Kỳ, xã Bình Châu (Bình Sơn)… lúc nào cũng ngập túi nilon, chai nhựa, vỏ bánh kẹo, hộp sữa, vỏ hải sản… Dù quanh đây được trang bị rất nhiều thùng rác nhựa công cộng Đây là rác sinh hoạt do người dân, khách du lịch vứt bỏ. Vì vậy, dù là bãi tắm, khu dân cư hay khu vực buôn bán, kinh doanh dịch vụ ven biển đều dập dềnh rác thải. Điều này khiến cảnh quan môi trường bị ô nhiễm.
Đơn cử như bãi biển thôn Phước Thiện “đất chật người đông”. Biển Phước Thiện bị biến thành “động rác” với lập luận “sóng biển sẽ cuốn rác ra xa, rồi phân hủy”. Vì vậy, hầu hết người dân địa phương vứt rác thải sinh hoạt ra biển. Tuy nhiên, rác chưa kịp đi xa thì lại bị sóng đánh vào bờ và lâu ngày hình thành nên “động rác” Phước Thiện, với chiều dài hơn 1km.
Bên cạnh rác thải, việc kiểm soát nước thải từ hoạt động sản xuất hay kinh doanh dịch vụ cũng là một “bài toán” hóc búa. Hầu hết nhà hàng, đơn vị kinh doanh dịch vụ hoặc chủ hồ tôm không xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng mà chọn cách xả thẳng ra biển hoặc bãi tắm.
Tại bãi biển Minh Tân Bắc, tuy hoạt động kinh doanh ăn uống chưa sầm uất, nhưng bãi biển này lại quá nhiều rác thải và nặng mùi… tôm! “Ở đây có hàng chục hồ nuôi tôm, nên nhiều khi nước chuyển màu đen, mùi hôi tanh nên du khách cũng phàn nàn”, chị Hương- chủ quán kinh doanh dịch vụ ăn uống ở biển Minh Tân Bắc cho biết.
Không thể để cảnh “người xả, người nhặt”
“Động rác” biển Phước Thiện tồn tại từ nhiều năm nay đã ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan cũng như sức khỏe người dân. Dù vậy, việc giải quyết “động rác” này vẫn chưa được chính quyền nơi đây thực hiện một cách triệt để. Mới đây, anh Lê Chí Linh – Bí thư Chi đoàn thôn Phước Thiện đã thành lập Đội tình nguyện thu gom rác thải Phước Thiện với 13 thành viên là những hộ nghèo, không có việc làm ở địa phương.
Công việc hằng ngày của Đội là nhặt, thu gom rác thải và tập kết về khu vực theo quy định đã ký kết với Công ty CP Lilama. Điều đáng nói, nguồn thu nhập của các thành viên phụ thuộc vào số hộ dân thôn Phước Thiện tham gia phí môi trường. Riêng khoản kinh phí đầu tư gần 150 triệu đồng dùng để mua sắm quần áo bảo hộ và 3 xe vận chuyển rác là tiền của cá nhân anh Linh.
“Mình mong muốn xóa sổ “động rác”, trả lại môi trường trong sạch cho biển; vừa tạo việc làm cho anh chị em nghèo trong thôn có thêm thu nhập”, Linh chia sẻ về hành động của mình. Trong thời gian đợi người dân thôn Phước Thiện thông qua lệ phí môi trường, hằng ngày anh Linh vẫn chạy xe quanh biển để “nhặt” và thu gom rác.
Trước hành động của Lê Chí Linh, Chi cục Môi trường và hội, đoàn thể các cấp cũng tổ chức rất nhiều chiến dịch ra quân dọn vệ sinh môi trường ven biển. Dù đó là những hoạt động nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển cho người dân, nhưng sau khi chiến dịch kết thúc là đâu lại vào đó, rác thải vẫn dập dềnh khắp trên bờ, dưới biển. Do đó, để giảm gánh nặng rác thải, chất thải cho biển, cần phải có giải pháp xử lý tận gốc.
Đó là, đối với những cá nhân, đơn vị sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ ven biển, nhất thiết phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra biển; có chế tài xử lý thật nặng những người buôn bán hàng rong, chủ đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ ven biển xả rác thải, chất thải ra biển; đặt thùng rác công cộng với các biểu tượng giữ gìn vệ sinh môi trường ở các bãi biển. Và cuối cùng là chính quyền và ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để những Đội thu gom rác yên tâm hoạt động vì sự trong lành, sạch, đẹp của môi trường ven biển
Nhận xét
Đăng nhận xét