Các hoạt động tái chế chất thải hiệu quả tại TP.HCM

Thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình là một trong những hoạt động đạt hiệu quả nhất trong thực hiện tái chế chất thải tại TP.HCM.

Gần 10 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn duy trì thực hiện tái chế chất thải thông qua các hoạt động thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình, thu gom và trao đổi đồ dùng, vật dụng cũ tại gian hàng, thực hiện chương trình 3T (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế) trong trường học.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tuyên truyền, phổ biến việc tái chế chất thải, Sở đã liên tục tổ chức Ngày hội tái chế chất thải từ năm 2008 đến nay, với nhiều hoạt động liên quan đến thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải. Thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình là một trong những hoạt động đạt hiệu quả nhất trong thực hiện tái chế chất thải.



Từ năm 2008, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm công tác xã hội Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện chương trình thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình (pin đã qua sử dụng, bóng đèn hư, vỏ chai, lọ đựng hóa chất độc hại).

Từ 24 điểm tiếp nhận và thu gom chất thải nguy hại vào năm 2008, đến năm 2016 đã tăng lên 123 điểm. Trong 9 năm thực hiện thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình, thành phố đã tiếp nhận được 10 tấn chất thải nguy hại, riêng năm 2016 thu gom được 2 tấn.

Toàn bộ chất thải nguy hại này được Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị thành phố xử lý an toàn. Đặc biệt, trong 2 năm 2015, 2016, chương trình thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình được các doanh nghiệp tham gia, đã thu gom được 470 kg chất thải điện tử, Công ty trách nhiệm hữu hạn GS ắc quy Việt Nam thu hồi và xử lý thải bỏ 400 kg ắc quy hư cũ.

Theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, để đạt được kết quả này, bên cạnh sự chủ trì triển khai thực hiện của 24 Ủy ban nhân dân quận, huyện, gắn kết với chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn của thành phố, Hội Phụ nữ đã tích cực vận động lãnh đạo hội ở các quận, huyện và hội viên thực hiện việc phân loại chất thải nguy hại hộ gia đình và mang đến các điểm thu gom.


Trong công tác tái chế chất thải, các doanh nghiệp đã tham gia thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn. Co.opmart là hệ thống siêu thị tiên phong trong việc thực hiện phân loại chất thải. Từ năm 2013, tại khu vực sơ chế thực phẩm, khu kinh doanh thức ăn, khu hành lang, khu tự doanh trong siêu thị Co.opmart được bố trí hai loại thùng rác nhựa màu xanh lá cây và màu xám tro.

Mặt ngoài của thùng rác nhựa màu xanh lá cây có biểu tượng thức ăn dư thừa, rau củ quả; thùng rác nhựa màu xám có in các biểu tượng lon nước ngọt, giấy các loại, ly nhựa, ống hút... để người tiêu dùng phân loại và bỏ rác vào thùng phù hợp.

Chất thải hữu cơ từ các siêu thị Co.opmart được công ty Môi trường đô thị thành phố, Công ty dịch vụ công ích thu gom và vận chuyển đến các bãi rác lớn để đưa đi sản xuất phân vi sinh. Riêng chất thải vô cơ được thu gom tập trung và vận chuyển đến trạm trung chuyển rác của thành phố để chở đến nhà máy tiến hành tái chế.

Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn của siêu thị đã góp phần giảm lượng rác cần chôn lấp, nâng cao hiệu quả tái chế các nguồn chất thải rắn và bảo vệ môi trường. Công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn hiện được ngành Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh vận động để nhiều doanh nghiệp cùng thực hiện.

Bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Quỹ bảo vệ môi trường Thành phố Hồ chí Minh, đánh giá: Chương trình 3T trong trường học cũng là một trong những hoạt động mang lại hiệu quả trong việc thực hiện tái chế chất thải.

Chương trình được thí điểm vào năm 2013, tại một số trường học trên địa bàn thành phố nhằm tuyên truyền, giáo dục học sinh về 3T và phân loại chất thải. Năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết Kế hoạch liên sở về phối hợp triển khai các hoạt động giáo dục và truyền thông môi trường trong trường học giai đoạn 2016 - 2020 với các nội dung về hoạt động 3T và phân loại chất thải tại nguồn, thực hiện rộng rãi tại các trường trên địa bàn thành phố.

Trường tiểu học Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận là trường thực hiện tốt chương trình 3T trong trường học bằng phương pháp gắn kết truyền thông lý thuyết với truyền thông thực hành. Các bức tường trong trường được vẽ tranh chủ đề bảo vệ môi trường, thùng rác công cộng được lắp đặt hợp lý có hướng dẫn phân loại rác thải.

Trường thường xuyên tổ chức các buổi chiếu phim tuyên truyền về bảo vệ môi trường, hướng dẫn cách sử dụng nước, điện tiết kiệm, cách trồng và chăm sóc cây xanh, cách làm đồ dùng học tập, dạy học từ vật liệu phế thải. Gắn với những hoạt động tuyên truyền đó là hội thi trang trí lớp học thân thiện với môi trường, đưa mảng xanh vào lớp học, sinh hoạt câu lạc bộ bảo vệ môi trường được thực hiện xuyên suốt năm học.

Từ năm 2014 cho đến nay, trường trung học cơ sở Âu Lạc, quận Tân Bình liên tục duy trì chương trình 3T trong trường học. Nhà trường đã lắp đặt các thùng chứa rác và dán nhãn phân loại rác. Rác thải được phân thành 2 loại gồm chất thải hữu cơ dễ phân hủy và chất thải khó phân hủy (chất thải rắn).

Ông Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Âu Lạc cho biết: Từ việc phân loại rác thải, giáo viên và học sinh trường Âu Lạc đã sử dụng một phần rác thải hữu cơ ủ thành phân để bón cây.
Đối với chất thải rắn, nhà trường hướng dẫn học sinh tự làm các vật dụng từ phế thải, xây dựng góc 3T với chủ đề Sức sống mới từ phế thải. Qua đó, hàng ngàn đồ vật có tính hữu dụng cao do học sinh chế tạo từ chai lọ, vỏ hộp được trưng bày.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm: Các hoạt động tái chế chất thải cũng như Ngày hội tái chế chất thải được thực hiện hằng năm, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước học tập, trong đó Thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Định, Đồng Nai đã tổ chức ngày hội và các hoạt động tái chế chất thải.

Sở đã lên kế hoạch tổ chức Ngày hội tái chế chất thải năm 2017 cùng với nhiều triển lãm, hoạt động thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải với quy mô mở rộng nhằm đưa hoạt động tái chế chất thải cho nhiều người dân thành phố biết đến và thực hiện./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Việt Nam nằm trong 10 địa điểm du lịch thân thiện môi trường nhất thế giới

Rác ngập đường phố Đà Nẵng sau lễ hội pháo hoa

TPHCM: Lắp đặt thùng rác thông minh